Hầu hết trong chúng ta đều đã từng vô tình bắt gặp các loài nhuyễn thể, chúng có mặt khắp mọi nơi từ trên núi cao cho đến biển sâu. Nhưng không hẳn tất cả chúng ta đều biết về loài mà chúng ta gặp đó gọi là nhuyễn thể. Vậy nhuyễn thể là gì? Có những loài nào và đặc điểm ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Nhuyễn thể là gì?
Nhuyễn thể có nghĩa là cơ thể mềm, đây là một ngành trong phân loại sinh học động vật. Nhuyễn thể bao gồm tất cả các động vật không có xương sống, không phân đoạn, trong đó có xoang cơ thể bao bọc các cơ quan, đầu và chân từ những loài nhuyễn thể có cấu tạo đơn giản như trai, sò cho đến các loài bạch tuộc săn mồi. Bên ngoài cá thể nhuyễn thể có lớp vỏ đá vôi bao bọc và chở che.
Nhuyễn thể có nhiều chủng loại rất đa dạng, phong phú, hiện nay đã có 23% tổng số các loài nhuyễn thể biển đã được đặt tên. Bên cạnh đó, tại khu vực nhiệt đới, theo thống kê nhuyễn thể có khoảng 93.000 loài đã biết, điển hình như các loài hến, ngao, ốc, trai, sò, mực, bạch tuộc. Tuy nhiên, các nhà sinh thái cũng cho biết hơn 70.000 loài nhuyễn thể đã biến mất. Nơi sống của nhuyễn thể là biển, sông, suối, ao, hồ, nước lợ, sống trên cạn hoặc sống chui rúc.
Các bằng chứng khảo cổ đã cho thấy sự tồn tại lâu đời của nhuyễn thể trên Trái Đất, sự tồn tại của chúng cách đây khoảng 500 triệu năm. Hầu hết nhuyễn thể là các sinh vật sống dưới biển, một số loài phân bố ở nước ngọt và có rất nhiều loài sinh sống ở trên cạn.
Trong các loài nhuyễn thể, chỉ có ốc sên là có khả năng tồn tại ngoài môi trường nước. Tuy nhiên, loài ốc sên lại được giữ ẩm liên tục, chính vì vậy mà làm hạn chế sự phân bố của chúng.
Đặc điểm của nhuyễn thể
Nhìn chung, nhuyễn thể có các đặc điểm chung như sau:
- Cơ thể mềm mại, liền khối, không phân đốt và ngoài lưng thường có nếp da phủ ngoài.
- Nhuyễn thể có hệ tuần hoàn hở, tim đã được chia ngăn.
- Hệ thần kinh có hạch thần kinh phân tán trên toàn bộ cơ thể.
- Hệ tiêu hóa đã phân hóa.
Phân loại nhuyễn thể
Đối với các loài nhuyễn thể, các nhà khoa học đã phân chúng thành 8 lớp bao gồm 2 lớp đã tuyệt chủng và 6 lớp còn tồn tại. Bao gồm:
- Lớp nhuyễn thể Caudofoveata có 120 loài.
- Lớp nhuyễn thể Monoplacophora (vỏ một tấm) có 31 loài.
- Lớp nhuyễn thể Gastropoda (chân bụng) có 70000 loài.
- Lớp nhuyễn thể Cephalopoda (chân đầu) có 900 loài.
- Lớp nhuyễn thể Aplacophora (không vỏ) có 200 loài.
- Lớp nhuyễn thể Scaphopoda có 500 loài.
- Lớp nhuyễn thể Polyplacophora (nhiều tấm vỏ) có 1000 loài.
- Lớp nhuyễn thể Bivalvia (vỏ hai tấm) có 20000 loài.
- Lớp nhuyễn thể Rostroconchia và Helcionelloida hiện đã tuyệt chủng.

Nhuyễn thể có rất nhiều loài nên có sự đa dạng phong phú cả về hình thái kích thước và cấu tạo giải phẫu. Lớp nhuyễn thể chân đầu Cephalopoda có các loài điển hình như mực ống, mực nang và bạch tuộc, đây là các loài nhuyễn thể có hệ thần kinh phát triển nhất. Bên cạnh đó kích thước của mực khổng lồ hay mực ống là lớn nhất trong tất cả các loài động vật không xương sống.
Vào năm 1877, người ta đã phát hiện xác của một con mực ống khổng lồ trôi dạt vào ven bờ biển Đại Tây Dương, với chiều dài 18m (bao gồm cả tua miệng), cơ thể đạt khối lượng một tấn. Ngoài ra, ốc sên và ốc cạn là nhóm có số loài nhiều nhất đã được phân loại trong các loài nhuyễn thể, nhóm ốc này chiếm 80% trong tổng số các loài động vật thân mềm đã biết. Ngành chuyên nghiên cứu về các loài này được gọi là nhuyễn thể học.
Sinh sản của nhuyễn thể
Vấn đề sinh sản của nhuyễn thể nhìn chung khá phức tạp, thường thay đổi tuỳ theo loài, hoàn cảnh môi trường và điều kiện sinh sản. Phần lớn các loài nhuyễn thể chỉ trưởng thành sau khi đã được một tuổi và sau đó mới có thể sinh sản được, nhưng sau khi tuyến sinh dục đã thành thục thì chúng có thể đẻ mãi cho tới khi chết và không bị hạn chế về tuổi tác.
Mùa vụ sinh sản cũng khác nhau tuy loài và điều kiện sống, có loài tuyến sinh dục thành thục quanh năm. Nhưng cũng có một số tuyến sinh dục chỉ thành thục trong những mùa nhất định, hoặc chỉ có thể đẻ được trong những mùa nhất định tùy theo điều kiện xung quanh. Phần lớn nhuyễn thể sinh sản vào mùa xuân, nhưng cũng có một số loài sinh sản vào mùa hè, mùa thu.
Mùa sinh sản không chỉ phụ thuộc vào chu kỳ năm mà còn phụ thuộc vào nhiều chu kỳ khác nữa. Trong mỗi tháng, nhuyễn thể sinh sản thường mạnh vào những kỳ trăng non hay trăng tròn, khi thủy triều lên mạnh vì khi đó lưu tốc nước lớn thuận tiện cho việc phân tán trứng. Trong một ngày thời gian sinh sản thường diễn ra vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Phương thức sinh sản của nhuyễn thể rất phong phú. Tuy nhiên, nhìn chung đều có sự phối hợp giữa yếu tố đực và cái. Hiện tượng giao phối giữa hai yếu tố đực cái có thể là thụ tinh trong hoặc thụ tinh ngoài. Thụ tinh ngoài là hình thức sinh sản của những loài không có cơ quan giao cấu, trứng chỉ được thụ tinh sau khi đẻ ra khỏi môi trường nước.
Tuyến sinh dục của những loài này thường lớn và số lượng trứng nhiều. Thường thì sự có mặt của tinh trùng sẽ kích thích con cái đẻ trứng. Thụ tinh trong là hình thức sinh sản của các loài có cơ quan giao cấu như loài nhuyễn thể Cephalopoda.
Vai trò thực tiễn của loài nhuyễn thể
Nhuyễn thể mang đến khá nhiều giá trị. Lợi ích mang lại của nhuyễn thể phải kể đến như sau:
- Có thể dùng thực phẩm cho con người như các món ốc, hàu, ngao luộc…
- Có thể dùng làm thức ăn cho động vật khác.
- Có tác dụng làm trong nước.
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhuyễn thể cũng có thể mang đến một số tác hại như sau:
- Nhuyễn thể có thể mang mầm bệnh, vật chủ trung gian truyền bệnh.
- Phá hoại cây trồng, mùa màng.
Trên đây là những thông tin về các đặc điểm, phân loại và tập tính sinh sản cũng như vai trò của nhuyễn thể. Nếu các bạn muốn biết thêm nhiều thông tin về thế giới quanh ta, hãy theo dõi các bài viết của chúng tôi.